Tư vấn dân sự - Chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tư vấn dân sự - Chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Các hoạt động giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân luôn hướng đến việc bảo vệ kip thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng dân sự. Để thực hiện được điều đó, trong những trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Đây là biện pháp được ghi nhận từ khá lâu và qua thực tiễn đã kiểm chứng hiệu quả nổi bật của nó. Vậy biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì? Chủ thể nào có thẩm quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là ai?

Hãng luật IMC xin làm rõ vấn đề trên như sau:

Cơ sở pháp lý:

 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

 - Bộ luật dân sự năm 2005.

 - Luật số 65/2011/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

 - Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 27/4/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật tố tụng dân sự.

Khái niệm biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Có thể hiểu biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là biện pháp tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Cơ sở để Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT chủ yếu dựa vào đơn yêu cầu của người có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án có thể tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT mà không cần có đơn yêu cầu của người có quyền yêu cầu. Vì vậy, thủ tục áp dụng BPKCTT gồm hai trường hợp: thủ tục áp dụng BPKCTT trên cơ sở có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và thủ tục áp dụng BPKCTT trong trường hợp Tòa án tự mình áp dụng BPKCTT. Hiện tại, BLTTDS mới chỉ có quy định về thủ tục áp dụng BPKCTT trong trường hợp có đơn yêu cầu tại Điều 117 BLTTDS.

Chủ thể có quyền yêu cầu:

Chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT được quy định tại Khoản 1 Điều 99 BLTTDSvà được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết 02/2005của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Theo đó, những chủ thể này bao gồm:

-         Các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự: cùng với đương sự - những người có quyền, lợi ích trực tiếp bị xâm phạm được pháp luật bảo vệ BLTTDS còn công nhận quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT cho người đại diện hợp pháp của đương sự. Người đại diện hợp pháp của đương sự có thể là người đại diện theo pháp luật quy định, có thể là người đại diện do đương sự ủy quyền, có thể là người đại diện do Tòa án chỉ định.

-         Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác: BLTTDS mở rộng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện vì lợi ích của người khác theo quy định của pháp luật để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng và bảo toàn tài sản hiện có hoặc để đảm bảo thi hành án. Điều này còn được khẳng định theo quy định tại Điều 118 BLTTDS: “ Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 162 BLTTDS kiến nghị Tòa án áp dụng BPKCTT bằng văn bản…”.

Các cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT này bao gồm: Cơ quan dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình, trong trường hợp luật hôn nhân và gia đình quy định; Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động.

Việc quy định quyền áp dụng BPKCTT của cơ quan, tổ chức khởi kiện vì lợi ích của người khác là cần thiết tuy nhiên BLTTDS lại chưa thống nhất về vấn đề này khi theo quy định tại Khoản 1 Điều 99 BLTTDS thì cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT trong khi Điều 118 BLTTDS lại quy định cơ quan, tổ chức có quyền kiến nghị Tòa án áp dụng BPKCTT. Việc quy định không thống nhất như vậy khiến các cơ quan, tổ chức không biết phải làm đơn yêu cầu hay văn bản kiến nghị Tòa án áp dụng BPKCTT.

Tòa án có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây cũng là một quy định mới so với các quy định về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây. Tuy nhiên Điều 119 BLTTDS đã giới hạn rõ quyền tự mình áp dụng BPKCTT của Tòa án, Tòa án chỉ có quyền tự mình áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 102 BLTTDS. Nghị quyết 02/2005 còn có hướng dẫn: Tòa án chỉ quyết định áp dụng một BPKCTT cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung quy định. Việc BLTTDS giới hạn những BPKCTT mà Tòa án có quyền tự mình áp dụng là quy định cần thiết nhằm đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự đồng thời hạn chế khả năng lạm quyền của Tòa án trong việc áp dụng BPKCTT. 

 

Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ:

 HÃNG LUẬT IMC

Điện thoại: 024.62.697.901 /  036.593.9999                  

Địa chỉ: P1809 tòa 27A2 Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Email  : bienpq@interimc.org.vn        

Hãng luật IMC : Uy tín – Chất lượng - Hiệu quả - Bảo mật

IMC Nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án: Dân sự - Kinh tế - Hôn nhân gia đình – Hành chính – Tài chính – Bất động sản – Sở hữu trí tuệ - Lao động – Đầu tư….