Việc lập di chúc đối với tài sản chung của vợ chồng khi người chồng qua đời không để lại di chúc.

Câu hỏi: Vợ chồng tôi mua một ngôi nhà và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Sau đó ít lâu, chồng tôi qua đời không để lại di chúc. Tôi tiếp tục ở tại ngôi nhà đó. Ba người con của chúng tôi sống tại nhà riêng. Nay tôi muốn lập di chúc cho một người con của chúng tôi thừa kế ngôi nhà này có được không? Di chúc có cần các con tôi thỏa thuận đồng ý hay cơ quan nhà nước xác nhận không? ( Bùi Thị Nga - Hạ Long - Quảng Ninh)

 

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi Ths,luật sư. Phan Minh Thanh – Hãng luật IMC xin trả lời như sau:

Theo các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình, ngôi nhà mà vợ chồng bà đã mua và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ chồng bà. Do vậy, bà và chồng bà có quyền sở hữu ngang nhau đối với tài sản đó.

Khi ông nhà mất đi không để lại di chúc, theo pháp luật, một nửa ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông được xác định là di sản thừa kế và phải được chia theo pháp luật. Căn cứ các chế định về thừa kế theo pháp luật, bà và ba người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng nhau đối với di sản ông nhà để lại. Như vậy, mặc dù bà vẫn sống tại ngôi nhà đó nhưng bà chỉ có quyền sở hữu và định đoạt (chuyển nhượng, tặng cho, đổi, để lại di chúc...) đối với một nửa ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bà cùng một phần tư phần nhà thuộc di sản của chồng bà để lại. Ba người con của bà mỗi người có quyền thừa kế một phần tư phần nhà thuộc di sản của chồng bà (đã mất). Vì vậy, khi bà lập di chúc đối với ngôi nhà này, nó sẽ chỉ có giá trị đối với phần nhà thuộc sở hữu của bà. Phần còn lại sẽ bị vô hiệu.

Nếu muốn có quyền định đoạt đối với toàn bộ ngôi nhà, bà phải được các đồng thừa kế, tức là các con của bà có văn bản từ chối quyền thừa kế đối với di sản của chồng bà để lại. Việc từ chối này phải được thông báo với UBND xã, phường, thị trấn hoặc Công chứng nhà nước.

Sau khi có được quyền định đoạt toàn bộ ngôi nhà, bà có thể lập di chúc cho bất kỳ người con nào của mình hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào mà không cần sự thỏa thuận, đồng ý của các con bà hoặc người khác.

Theo quy định tại chế định Thừa kế- Bộ luật Dân sự, di chúc được lập thành văn bản, có thể do người lập di chúc tự viết và ký nhận hoặc có thể có người làm chứng, được cơ quan chức năng chứng thực hoặc công chứng.

Nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì di chúc phải do chính tay người để lại di chúc viết, có chữ ký, ghi đầy đủ họ tên của người lập di chúc.

Nếu người để lại di chúc không thể tự tay viết di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc ký, điểm chỉ trước mặt người làm chứng. Người làm chứng ký xác nhận vào bản di chúc. Người làm chứng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi, từ 18 tuổi trở lên và không là người được trao quyền thừa kế trong di chúc hoặc người có quyền lợi liên quan đến nội dung di chúc.

Ngoài ra, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên lập di chúc và công chứng, chứng thực tại nhà riêng của người lập di chúc hoặc tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ: HÃNG LUẬT IMC

Điện thoại: 04.62.697.972 /  0166.593.9999  

                    04.62.915.925 /  0917.19.65.65

Địa chỉ: Phòng 1107, Tháp A, Tòa Nhà 173 Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email  : bienpq@interimc.org.vn         -         thanh6666@yahoo.com

Hãng luật IMC : Uy tín – Chất lượng - Hiệu quả - Bảo mật

IMC Nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án: Dân sự - Kinh tế - Hôn nhân gia đình – Hành chính – Tài chính – Bất động sản – Sở hữu trí tuệ - Lao động – Đầu tư….