Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ

Hỏi: Việc xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ (GTĐB) được quy định thế nào? Trường hợp một người vi phạm nhiều hành vi hoặc nhiều người vi phạm một hành vi thì xử lý ra sao?

Trả lời:  
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB được quy định tại NĐ của Chính phủ số 146/2007/NĐ-CP ngày 14.9.2007 như sau: Mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. 
Việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, NĐ số 134/2003/NĐ-CP ngày 14.11.2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, các quy định của NĐ này và phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo quy định của pháp luật. 
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB phải do người có thẩm quyền tiến hành. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện  nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. 
Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. 
Khi QĐ xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, căn cứ hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm được quy định tại NĐ này để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Hãng Luật IMC giải quyết mọi vấn đề Luật Hành Chính !

 

1