Thẩm quyền chứng thực chữ ký trong bản dịch

Hỏi: Việc chứng thực chữ ký trong bản dịch được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Ngày 18-5-2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. (Nghị định này thay thế Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8 -12 – 2000, của Chính phủ về công chứng, chứng thực), theo đó thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài được giao cho phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chứng thực. (gọi chung là phòng tư pháp cấp huyện).


Theo Điều 5, điều 17 và điều 22 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP thì Trưởng phòng, phó trưởng phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực các việc theo quy định trên và đóng dấu của phòng tư pháp.

Thẩm quyền chứng thực chữ ký theo quy định này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực; người dân có thể đến bất cứ phòng tư pháp cấp huyện nào trong toàn quốc để yêu cầu chứng thực.

Thủ tục chứng thực chữ ký của người dịch được quy định như sau:

Cá nhân yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác; giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký vào đó.

Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.

Người thực hiện chứng thực phải ghi rõ ngày, tháng, năm chứng thực; địa điểm chứng thực; số giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu chứng thực, ngày cấp, nơi cấp; chữ ký trong giấy tờ, văn bản đúng là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; sau đó ký và ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Người dịch phải là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch.

Người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

Trang đầu tiên của bản dịch phải được ghi rõ chữ “BẢN DỊCH” vào chỗ trống phía trên bên phải. Nếu bản dịch có từ 2 trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự và phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Bản dịch phải được đính kèm với bản sao giấy tờ cần dịch.

Thời hạn chứng thực chữ ký

Việc tiếp nhận yêu cầu chứng thực chữ ký trong thời gian làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều thì phải được thực hiện chứng thực ngay trong buổi làm việc đó; trường hợp cần phải xác minh làm rõ nhân thân của người yêu cầu chứng thực thì thời hạn trên được kéo dài thêm nhưng không quá 3 ngày.

Trong khi thi hành nhiệm vụ, quyền hạn về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, người thực hiện nhiệm vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hãng Luật IMC giải quyết mọi vấn đề Luật Hành Chính !

 

1