Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Câu hỏi

Một đồng nghiệp cùng công ty với tôi mượn của tôi 1 chiếc xe máy, nói là mượn khoảng 2 tiếng sẽ trả, nhưng tôi chờ đến tối cũng không thấy trả xe. Tôi gọi điện thì không nghe máy, tôi nhắn tin đòi xe thì đồng nghiệp ấy bảo mượn 2,3 ngày rồi trả. Chờ đến một tuần sau vẫn không thấy, tôi liền đến nhà bố mẹ người đồng nghiệp này thì được mẹ của người đó cho biết là xe của tôi đã bị mang đi cầm đồ, không có giấy tờ được 20.000.000đ. Tôi liền gọi điện hỏi cho rõ ràng thì người đồng nghiệp đó cố tình trốn tránh không nghe máy. Xin cho tôi hỏi, hành vi của đồng nghiệp đó có dấu hiệu phạm tội không? Trong trường hợp này làm thế nào tôi có thể lấy lại được xe trong thời gian sớm nhất. Nếu người đồng nghiệp không trả xe mà trốn tránh thì có bị bắt không? Mức án dành cho người này thế nào? Công an phường hay công an quận mới có quyền bắt giữ người này? Mong Luật sư giải đáp thắc mắc này giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi có ý kiến như sau:

Hành vi của người bạn đồng nghiệp của bạn đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tại điều 140 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 Bạn cần gửi đơn trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an nơi người bạn đồng nghiệp này cư trú sẽ giúp bạn có thể lấy lại được xe trong thời gian sớm nhất.

Sau quá trình điều tra ban đầu, nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định hành vi của người bạn này đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bên Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm thủ tục khởi tố vụ án. Nếu người bạn này bỏ trốn Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phát lệnh truy nã.

Theo khoản 1 điều 11 Pháp lệnh Về tổ chức điều tra hình sự năm 2004 về Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân.”

Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện là Cơ quan có thẩm quyền giải quyết sự việc này.

 

Hãng Luật IMC giải quyết mọi vấn đề hình sự !

 

1