Giải quyết tranh chấp - Nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài.

Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại

Hiện nay, với những ưu điểm nổi bật về tính nhanh chóng và bảo mật thông tin, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đang dần chiếm ưu thế trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại và là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp nhất là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên khi áp dụng phương thức này cũng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Sau đây, Hãng luật IMC xin tư vấn cho quý khách hàng nội dung pháp lý về nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài.

Cơ sở pháp lý: Luật Trọng tài thương mại 2010

Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 luật Trọng tài thương mại 2010: " Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này."

Để có thể áp dụng phương thức này để giải quyết tranh chấp điều kiện đầu tiên cần có là: " Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp." - theo quy định tại Điều 5, Luật Trọng tài thương mại.

Tại Điều 4 của luật này đã quy định 5 nguyên tắc khi áp dụng phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại:

Thứ nhất, Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

Thẩm quyền giải quyết của Trọng tài là do các bên thỏa thuận lựa chọn và trao cho họ. Do đó, khi giải quyết vụ việc, Trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên khi giải quyết tranh chấp. Có thể lấy ví dụ như các bên có thể lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp theo quy định tại điều 11, Luật Trọng tài thương mại.

Thứ hai, Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

Tính độc lập, khách quan của Trọng tài viên là một vấn đề rất được quan tâm khi lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài. Bởi chỉ một yếu tố nhỏ từ phía Trọng tài viên có thể ảnh hưởng tới kết quả giải quyết của vụ việc nhất là với các vụ việc chỉ có một trọng tài viên.

Thứ ba, Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Theo quy định tại nguyên tắc này, các bên tham gia vào giải quyết tranh chấp có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Họ cùng có quyền trong việc lựa chọn hình thức giải quyết, trung tâm trọng tài, trọng tài viên, thời gian địa điểm giải quyết và các thỏa thuận khác.

Thứ tư, Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Để bảo đảm tính bí mật của thông tin khi giải quyết trah chấp nhất là các thông tin liên quan đến tình hình doanh nghiệp, bí mật kinh doanh, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ không được tiến hành công khai. Đây cũng là điểm nổi bật của phương thức này so với giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

Thứ năm, Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

Không giống với các cấp xét xử của Tòa án, chỉ có một Hội đồng trọng tài duy nhất giải quyết từng vụ việc do đó quyết định của Hội đồng trọng tài là quyết định duy nhất, các bên không có khả năng kháng cáo, kháng nghị.

Trên đây là những tư vấn của Hãng luật IMC chúng tôi về vấn đề nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài. Hy vọng ý kiến tư vấn của chúng tôi có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề mà các bạn đang quan tâm.

 

Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ:

Hãng luật IMC

Điện thoại: 036.593.9999

Địa chỉ: P1809 tòa 27A2 Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Email  : bienpq@interimc.org.vn

Website: www.interimc.org.vn

Hãng luật IMC : Uy tín – Chất lượng - Hiệu quả - Bảo mật

IMC Nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án: Dân sự - Kinh tế - Hôn nhân gia đình – Hành chính – Tài chính – Bất động sản – Sở hữu trí tuệ - Lao động – Đầu tư…