Tư vấn để lại tài sản cho con khi ly hôn

Tư vấn để lại tài sản cho con khi ly hôn
Khi vợ, chồng ly hôn mà muốn để lại tài sản cho con cái trong khi con chưa thành niên có thể thực hiện theo cách sau:

 

Cách 1. Làm thủ tục tặng cho tài sản nhưng thông qua người giám hộ của hai con.

Theo quy định về việc giám hộ thì trong trường hợp cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì cha, mẹ có quyền yêu cầu người giám hộ cho con. Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp này là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (khoản 2 Điều 61 Bộ luật Dân sự).

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Bộ luật Dân sự thì người giám hộ sẽ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Khi đó, người giám hộ của con sẽ có quyền đại diện cho con ký hợp đồng tặng cho tài sản để nhận tặng cho tài sản từ hai vợ chồng.

Chủ thể của Hợp đồng tặng cho sẽ là:

- Bên tặng cho: Hai vợ chồng (với tư cách là chủ sở hữu/sử dụng tài sản);

- Bên nhận tặng cho: Con chưa thành niên, nhưng người giám hộ sẽ là người đại diện để ký Hợp đồng.

Nếu thực hiện theo cách trên thì hai vợ chồng có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho con theo quy định của pháp luật mà vẫn tránh được vi phạm quy định về phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự như nêu trên. Nhưng việc này lại có những hạn chế như:

- Về việc yêu cầu người giám hộ: Theo quy định về giám hộ thì trường hợp giám hộ con chưa thành niên chỉ đặt ra khi cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con. Trong khi đó hai vợ chồng vẫn đang thực hiện việc chăm sóc, giáo dục con. Như vậy, việc yêu cầu người khác giám hộ cho con là không đúng với thực tế.

- Về việc quản lý tài sản của con sau khi nhận tặng cho. Căn cứ điều 69 Bộ luật Dân sự quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:

+ Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

+ Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

+ Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

Lưu ý: Theo quy định trên thì việc quản lý, định đoạt tài sản của con sẽ được thực hiện bởi người giám hộ vì vậy khi thực hiện theo cách này thì vợ, chồng nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Cách 2. Hai vợ chồng lập Văn bản thỏa thuận về tài sản.

Việc tặng cho tài sản cho con là sự đồng thuận của cả hai vợ chồng nhưng hiện tại nếu làm hợp đồng tặng cho thì sẽ vướng phải một số vấn đề như nêu trên. Vì vậy, hai vợ chồng cũng có thể lập văn bản để thỏa thuận với nhau về các nội dung như:

- Nội dung về việc tặng cho tài sản: Vợ, chồng sẽ thống nhất tặng cho tài sản đó cho con; khi có đủ điều kiện thì hai vợ chồng sẽ tiến hành thủ tục tặng cho con theo quy định của pháp luật (ví dụ như khi con đủ 15 tuổi thì có thể tự mình giao kết hợp đồng tặng cho đó);

- Nội dung về việc quản lý và cho thuê tài sản ở thời điểm hiện tại: Vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc ai sẽ thay mặt hai vợ chồng quản lý và cho thuê tài sản đó; tiền thuê nhà sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm của con…

 

Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ: HÃNG LUẬT IMC

Điện thoại: 024.62.697.901 /  0365.939999  

                

Địa chỉ: P1809 tòa 27A2 Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Email  : bienpq@interimc.org.vn        

Hãng luật IMC : Uy tín – Chất lượng - Hiệu quả - Bảo mật

IMC Nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án: Dân sự - Kinh tế - Hôn nhân gia đình – Hành chính – Tài chính – Bất động sản – Sở hữu trí tuệ - Lao động – Đầu tư…

Tác giả bài viết: Ths.Ls. Phạm Quang Biên