kiện đòi tài sản theo quy định của BLDS 2005

kiện đòi tài sản theo quy định của blds 2005
KIỆN ĐÒI TÀI SẢN
Trên thực tế hiện nay, sự xâm phạm quyền sở hữu đang diễn ra rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, pháp luật dân sự cũng quy định các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu khác nhau để chủ sở hữu có thể bảo vệ tốt nhất quyền sở hữu của mình. Tại Điều 255 BLDS quy định về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Một trong những phương thức bảo vệ quyền sở hữu hữu hiệu nhất là phương thức kiện đòi tài sản.
Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình, được xem như một trong những phương thức bảo vệ quyền của chủ sở hữu, nhằm đảm bảo để chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được sử dụng và khai thác công dụng của tài sản một cách bình thường.
Điều 256 BLDS quy định quyền đòi lại tài sản: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của bộ luật dân sự”… Như vậy chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, bằng nhiều cách thức, có quyền yêu cầu người đang nắm giữ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó trong trường hợp người đó đang thực tế chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Điều 189 BLDS quy định : “ Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”. Những trường hợp này thường là tài sản rời khỏi chủ sở hữu sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp trái với ý chí của họ. Như vậy, ta có thể xác định đối tượng của kiện đòi tài sản là những tài sản đang bị chiếm hữu bất hợp pháp.
 Điều kiện kiện đòi tài sản:
• Chủ thế có quyền kiện đòi: chủ sở hữu , người chiếm hữu hợp pháp.
• Đối tượng của kiện đòi tài sản là những tài sản đang bị chiếm hữu bất hợp pháp.
• Tài sản đó vẫn còn tồn tại, người bị kiện là người đang trực tiếp nắm giữ, chiếm hữu bất hợp pháp tài sản đó. Đối tượng để kiện đòi được xác định rất rõ là tài sản. Để có thể lựa chọn phương thức kiện đòi tài sản ngoài những điều kiện trên thì điều kiện tài sản còn và đang nằm trong sự chiếm giữ của bị đơn là rất quan trọng.
• Về thời kiệu: Tùy từng loại tài sản khác nhau mà thời hiệu khởi kiện có thể khác nhau theo quy định của pháp luật. Pháp luật dân sự có quy định thời hiệu khởi kiện cho từng trường hợp riêng biệt. Đối với kiện đòi tài sản, Điều 256 quy định việc người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247: “ Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Nghĩa là xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu phù hợp với quy định của pháp luật. Khi đã xác lập quyền sở hữu hợp pháp, có nghĩa là người đang chiếm hữu tài sản đã trở thành người sở hữu hợp pháp tài sản đó, người chủ sở hữu trước không còn quyền kiện đòi lại tài sản.

Kiện đòi tài sản là một trong những phương thức bảo vệ quyền sở hữu mà pháp luật quy định cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp để bảo vệ quyền sở hữu của họ. Đây là một trong những biện pháp bảo vệ tối ưu quyền cho chủ sở hữu, nhất là với những tài sản  không chỉ có giá trị vật chất và còn có giá trị tinh thần to lớn mà chủ thể không muốn mất đi.​

Nguồn tin: hãng luật imc