Di chúc không công chứng, chứng thực có giá trị không?

Ông bà tôi để lại di chúc mà không có tư pháp ở phường làm chứng, chỉ có dấu vân tay chữ ký của ông bà và hai người hàng xóm làm chứng. Vậy cho tôi được hỏi bản di chúc này có hợp pháp không? ( Phan Hoài Anh - Đống Đa - Hà Nội)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi Cử nhân luật. Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Hãng luật IMC xin trả lời như sau:

1.Căn cứ các quy định tại Khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005, thì di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Theo Khoản 3 Điều 652 BLDS: di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực

 Ngoài trường hợp trên, có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực không phải là điều kiện bắt buộc đối với di chúc bằng văn bản.

2. Bộ luật dân sự có quy định về nội dung và hình thức của di chúc bằng văn bản, như sau:

Nội dung của di chúc phải ghi rõ: a- Ngày, tháng, năm lập di chúc; b- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; c- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; d- Di sản để lại và nơi có di sản; đ- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc (Điều 653).

Các hình thức di chúc bằng văn bản được pháp luật dân sự công nhận: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng và di chúc có công chứng, chứng thực.

Trong trường hợp bạn đưa ra tôi không rõ có phải chính ông bà của bạn tự tay viết và ký vào bản di chúc hay không. Nên tôi xin đưa ra hai trường hợp cho bạn tham khảo sau:

- Trong trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc (Điều 655). Điều này được hiểu là nếu ông bà của bạn tự tay viết thì di chúc đó vẫn có hiệu lực mà không phụ thuộc vào người làm chứng. Di chúc này phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 điều 652 nêu trên.

- Trong trường hợp di chúc bằng văn bản có người làm chứng, nếu người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là 02 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc (Điều 656). Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự (Điều 654). Vậy nếu theo trường hợp này, thì ông bà bạn phải ký và điểm chỉ trước mặt người làm chứng. Ngay sau đó người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Vì vậy ngày ký, điểm chỉ của người lập di chúc phải cùng ngày ký xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người làm chứng. Còn ngày ghi trong nội dung của di chúc không nhất thiết phải trùng với ngày ký, điểm chỉ của người lập di chúc. Trong trường hợp này thì di chúc của ông bà của bạn là hoàn toàn hợp lệ, có hiệu lực pháp luật.

 

Bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm vui lòng liên hệ: HÃNG LUẬT IMC

Điện thoại: 04.62.697.972 /  0166.593.9999  

                    04.62.915.925 /  0917.19.65.65

Địa chỉ: Phòng 1107, Tháp A, Tòa Nhà 173 Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email  : bienpq@interimc.org.vn         -         thanh6666@yahoo.com

Hãng luật IMC : Uy tín – Chất lượng - Hiệu quả - Bảo mật

IMC Nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án: Dân sự - Kinh tế - Hôn nhân gia đình – Hành chính – Tài chính – Bất động sản – Sở hữu trí tuệ - Lao động – Đầu tư…